Việc áp dụng học chế niên chế (1975-1987) Giáo_dục_đại_học_tại_Việt_Nam

Năm 1975, sau chiến tranh, tất cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục từng hoạt động ở miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa bị giải thể, các cơ sở giáo dục đại học công lập bị giải thể hoặc bị chia ra hay sắp xếp lại theo mô hình phân tán ngành học của Liên Xô; quyền tự trị đại học bị bãi bỏ.[4] Giáo dục Việt Nam dưới các chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gồm cả giáo dục đại học, bị chính trị hóa,[5][6] và hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 36 Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1992) quy định "nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng."[7]

Giáo dục đại học Việt Nam ở miền Bắc trước 1975 và ở cả nước sau 1975 tuân theo mô hình bao cấp giống như ở các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đó là hệ thống áp dụng phương pháp đào tạo theo niên chế với các đặc điểm như sau:

  1. Các lớp học được xếp theo khóa tuyển sinh, chương trình học được thiết kế chung cho mọi sinh viên cùng một khóa.
  2. Đơn vị học vụ được tính theo năm học, cuối mỗi năm học những sinh nào đạt kết quả học tập theo quy định thì được lên lớp, sinh không đạt thì bị ở lại lớp (lưu ban) học cùng sinh viên khóa sau, tức là phải học lại thêm một năm học.
  3. Tùy mức quan trọng của môn học việc đánh giá kết quả học tập thường theo hai cách: thi có cho điểm, và kiểm tra chỉ xác định đạt hay không đạt, không đạt phải kiểm tra lại. Không tính điểm trung bình chung, trong học bạ chỉ liệt kê điểm của các môn thi (được cho theo 5 bậc).

Giáo dục đại học Việt Nam cho đến 1985 cơ bản là giáo dục tinh hoa. Trong giai đoạn này vấn đề chất lượng giáo dục đại học hầu như không được đặt ra, khi sinh viên vốn đã được xem là thuộc hàng ưu tú, được chọn lọc cẩn thận ngay từ đầu vào với tỷ lệ sàng lọc khắt khe. Chất lượng đầu ra cũng được kiểm soát thông qua hoạt động thi cử, công nhận tốt nghiệp, và cấp phát văn bằng theo những quy định được áp đặt từ trên xuống. Việc kiểm soát chất lượng hoạt động được thực hiện thông qua hệ thống thanh-kiểm tra nhằm giám sát những hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, tác động và hiệu quả của hệ thống thanh-kiểm tra không cao, vì chỉ nhấn mạnh việc phát hiện và xử phạt những hoạt động cố tình làm sai lệch những quy định và chuẩn mực sẵn có, mà không đặt ra mục tiêu tìm hiểu để cải thiện liên tục và toàn diện nhằm đáp ứng ngày càng cao những yêu cầu thay đổi của cuộc sống.

Hàng năm nhà nước phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học, căn cứ vào tính toán nhu cầu của các cơ quan và các địa phương. Căn cứ vào chỉ tiêu đó, ngân sách được phân bổ cho các bộ chủ quản, rồi các bộ rót tiền xuống cho các cơ sở giáo dục do mình quản lý. Sinh viên ra trường được nhà nước phân công công việc. Tình hình thay đổi kể từ năm 1987, khi những lĩnh vực trước đây thuộc khu vực công bắt đầu do "các thành phần kinh tế" khác đảm trách; biên chế không còn nhu cầu và sinh viên ra trường không có việc làm vì không còn được phân công về các cơ quan nhà nước. Điều này đã dẫn đến việc các cơ sở giáo dục đại học có nguy cơ tan rã, do "sinh viên không muốn học, thầy cô không muốn dạy".[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_dục_đại_học_tại_Việt_Nam http://namkyluctinh.org/a-tailieuvnch/noicac-ttkim... http://vi.wikisource.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://cand.com.vn/Xa-hoi/Gia-tang-tinh-trang-cu-n... http://chrd.edu.vn/site/vn/?p=5013 http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/225000-cu-nhan-... http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ong-Tran-Duc-Ca... http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/doanh-ng... https://www.timeshighereducation.com/world-univers... https://tuoitre.vn/dai-hoc-viet-nam-tut-hau-vi-tu-...